You are welcome

Đôi khi bạn quá khắt khe với người khác, nhưng lại dễ dãi đối với bản thân mình.

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Các loại quy phạm pháp luật quốc tế

 
Quy phạm luật quốc tế là một trong những yếu tố cấu thành, là hạt nhân quan trọng của cấu trúc luật quốc tế. Nó được hình thành do các quốc gia và các chủ thể khác thỏa thuận xây dựng nên nhằm điều chỉnh quan hệ phát sinh giữa họ với nhau trong từng lĩnh vực nhất định của đời sống quốc tế. Các loại quy phạm pháp luật quốc tế vô cùng phong phú, phản ánh tính đa dạng của quan hệ quốc tế trong thời đại ngày nay. Tùy vào mỗi tiêu chí, mỗi căn cứ riêng, ta lại có thể phân chia quy phạm pháp luật quốc tế thành nhiều loại khác nhau với những đặc điểm, những tính chất riêng biệt, đặc thù.
I.      Khái niệm quy phạm pháp luật quốc tế
         Quy phạm pháp luật quốc tế là quy tắc xử sự được tạo bởi sự thỏa thuận của các chủ thể luật quốc tế và có giá trị ràng buộc các chủ thể đó đối với các quyền, nghĩa vụ hay trách nhiệm pháp lý khi tham gia quan hệ pháp luật quốc tế.
II.   Các loại quy phạm pháp luật quốc tế.
          Về cấu trúc, quy phạm luật quốc tế có thể được phân chia thành nhiều loại khác nhau, bao gồm các loại chủ yếu sau:
         1.  Căn cứ vào giá trị pháp lý, gồm các quy phạm mệnh lệnh chung(Jus cogens) và quy phạm tùy nghi:
          a. Quy phạm mệnh lệnh chung (Jus cogens):
Jus cogens là một loại quy phạm đặc thù mang trong mình hiệu lực pháp lý tuyệt đối, có tính bắt buộc chung, mang tính khách quan hóa và có giá trị tối cao đối với mọi chủ thể, mọi mối quan hệ pháp luật quốc tế. Quy phạm Jus cogens có giá trị quy định hiệu lực và tính hợp pháp của các quy phạm khác của luật quốc tế, tức là các quy phạm khác phải có nội dung không trái với quy phạm Jus cogens. Mặt khác trong quá trình áp dụng và thực hiện luật quốc tế, các chủ thể không được quyền thay đổi nội dung của  các quy phạm này và hành vi nhằm thay đổi chúng bị coi là vô hiệu ngay từ đầu.
Các quy phạm Jus cogens được thể hiện trong nhiều văn bản pháp lý quan trọng như Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Luật biển năm 1982, Định ước Hen-xin-ki ngày 1/8/1975 về An ninh và hợp tác các nước châu Âu, Hiệp định biên giới Việt – Trung năm 1999…Ví dụ: theo khoản 7 điều 2, Hiến chương Liên hợp quốc: “Tổ chức Liên hợp quốc không có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia nào”. Nghĩa vụ không can thiệp vào công việc của quốc gia khác cũng đặt ra cho tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế.
b. Quy phạm tùy nghi: Quy phạm tùy nghi là quy phạm mà trong khuôn khổ của nó cho phép các chủ thể luật quốc tế tự xác định phạm vi quyền, nghĩa vụ qua lại giữa các bên, trong một quan hệ pháp luật quốc tế cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Ví dụ: quy phạm về xác định bề rộng lãnh hải của quốc gia ven bờ tối đa không quá 12 hải lý, kể từ đường cơ sở theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc.
          2. Căn cứ vào phương thức hình thành và hình thức tồn tại gồm các quy phạm điều ước quốc tế và quy phạm tập quán quốc tế:
          a. Quy phạm điều ước quốc tế (quy phạm thành văn): Quy phạm điều ước là quy phạm được xác định bởi sự thể hiện ý chí, thỏa thuận giữa các chủ thể luật quốc tế, thể hiện dưới hình thức thức văn bản pháp lý nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể đó với nhau.
Quy phạm điều ước được ghi nhận trong các văn bản điều ước quốc tế như Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao và năm 1963 về quan hệ ngoại giao, Hiệp định thương mại Việt Nam–Hoa Kỳ ký ngày 13/7/2000…Ví dụ như quy định tại điều 4, hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc: “Hai bên ký kết tiến hành hợp tác nghề cá lâu dài trong vùng đánh cá chung trên tinh thần cùng có lợi
          b. Quy phạm tập quán quốc tế (quy phạm bất thành văn): Quy phạm tập quán là những quy tắc xử sự chung, hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và được các chủ thể quốc tế thừa nhận. Các quy phạm tập quán có thể được hình thành từ thực tiễn quan hệ quốc tế, từ thực tiễn thực hiện các nghị quyết khuyến nghị của tổ chức quốc tế hay từ việc thực hiện các phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế. Ví dụ: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền lần hai trở lại thực hiện chức năng sẽ được Bộ trường hoặc Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước nhận đại diện đón tiếp. Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, đây chỉ là quy tắc xử sự mà chưa phải là quy phạm pháp lý, nhưng lại được các quốc gia tuân thủ và áp dụng một cách tự nguyện.
          3. Căn cứ vào phạm vi tác động có các quy phạm phổ cập (chung) và quy phạm khu vực:
          a. Quy phạm phổ cập (Quy phạm chung, quy phạm phổ biến): Quy phạm phổ cập là quy phạm được ghi nhận trong các điều ước quốc tế đa phương toàn cầu, có sự tham gia của đại đa số quốc gia trên thế giới và là cơ sở của toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế. Dấu hiệu của quy phạm luật quốc tế phổ cập là tính toàn cầu của nó, hiệu lực pháp lý bắt buộc chung, sự xây dựng và thay đổi nó được thực hiện bằng cả cộng đồng quốc tế nói chung.
          Ví dụ: Các quy phạm trong công ước Viên năm 1961 về Quan hệ ngoại giao, trong Công ước Viên năm 1982 về Luật biển…
          b. Quy phạm khu vực: Quy phạm quốc tế ở khu vực (còn gọi là quy phạm riêng hay quy phạm không phổ biến) là quy phạm chỉ có giá trị bắt buộc với các thành viên điều ước quốc tế cụ thể, trong đó có các quy phạm này. Đó là các điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương ở phạm vi khu vực địa lý nhất định. Ví dụ các quy phạm điều chỉnh quan hệ giữa các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), giữa các nước ASEAN, giữa các nước có quan hệ hàng xóm, láng giềng như Việt Nam – Lào, Việt Nam – Trung Quốc …
                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét